Uống nhiều nước, súc miệng nước muối, xịt họng bằng tinh dầu hỗ trợ kiểm soát triệu chứng đau họng có đờm.
Viêm họng do virus, viêm phế quản, cảm lạnh… đều có thể dẫn đến đau họng có đờm. Đau họng có đờm xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến hơn ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hầu hết mọi người có thể đau họng ít nhất 2-3 lần mỗi năm, tần suất thường nhiều hơn vào mùa lạnh.
ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Hương, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đau họng có đờm thường đi kèm với các triệu chứng như khô họng, thành họng sưng đỏ, ho nhẹ, sưng hạch cổ, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ho khan, khàn giọng…
Bên cạnh điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ giảm triệu chứng khó chịu tại nhà.
Uống trà thảo mộc: Rễ cam thảo có tác dụng kháng viêm, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn. Người bị đau họng có thể sử dụng trà rễ cam thảo để làm dịu cơn đau họng, bôi trơn cổ họng, giảm đờm và triệu chứng viêm.
Gừng hay trà gừng được xem như “thuốc” giảm đau họng tự nhiên, nhờ vào khả năng kháng khuẩn và chống viêm của loại gia vị này. Một số nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ gừng có thể giúp tiêu diệt một số vi khuẩn gây bệnh ở đường hô hấp, giảm đau họng.
Súc miệng bằng nước muối: Nước muối sinh lý có thể rửa trôi vi khuẩn, cải thiện các triệu chứng sưng, đau họng. Súc miệng bằng nước muối hai lần mỗi ngày góp phần giảm viêm họng.
Sử dụng viên ngậm họng: Viên ngậm họng không kê đơn có thể chứa chất gây tê cục bộ, làm tê liệt cơn đau, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại.
Phần lớn viên ngậm hỗ trợ điều trị đau họng có chứa cồn 2,4-dichlorobenzyl và amylmetacresol, những chất khử trùng nhẹ giúp giảm đau nhanh chóng.
Ngậm mật ong: Mật ong có tác dụng kháng viêm, chống vi khuẩn và chống oxy hóa. Sử dụng mật ong góp phần cải thiện triệu chứng ho, nghẹt mũi, đau họng có đờm. Nhờ đó, người bệnh viêm họng hay các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên hồi phục nhanh hơn.
Ngậm 1-2 thìa mật ong hai lần mỗi ngày hoặc kết hợp với trà hoặc nước ấm để uống khi cổ họng cảm thấy khó chịu. Bác sĩ Hương lưu ý phụ huynh không dùng mật ong cho trẻ dưới một tuổi.
Xịt họng bằng tinh dầu: Thuốc xịt họng chứa các thành phần như anatolian, echinacea, bạch đàn, phong lữ thảo, hoa cúc Đức, chanh vàng, rau kinh giới, bạc hà… có tác dụng chống viêm tốt.
Theo bác sĩ Hương, bên cạnh những biện pháp trên, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tái khám theo lịch hẹn; bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước ấm, nước trái cây…
Thuốc kháng sinh không có tác dụng với các bệnh nhiễm virus như cảm lạnh, cúm. Người bệnh chỉ sử dụng thuốc kháng sinh theo kê đơn của bác sĩ trong trường hợp nhiễm khuẩn như viêm họng liên cầu khuẩn, viêm họng nghiêm trọng hoặc các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Nguồn: vnexpress