Bác sĩ Nguyễn Minh Giao tư vấn sức khỏe tim mạch (Phần 1)
09 Tháng 11 2017 | 261
Thời gian qua, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Thanh Chân nhận được nhiều câu hỏi của khách hàng về vấn đề sức khỏe tim mạch. Bệnh tim mạch là “sát thủ thầm lặng” gây ra 1/4 ca tử vong trên thế giới. Với tỷ lệ mắc bệnh cao và có xu hướng ngày một trẻ hóa, bệnh tim mạch đang là “vấn nạn” với nhiều người.
Với mục đích giúp Quý khách hàng nắm bắt thêm thông tin liên quan đến bệnh tim mạch, chúng tôi sẽ đăng tải tư vấn sức khỏe tim mạch của bác sĩ Nguyễn Minh Giao (Phòng khám Thanh Chân) cho một số trường hợp bệnh lý cụ thể.
Mổ van tim vẫn cảm thấy mệt mỏi, hồi hộp có cần mổ lại không?
Câu hỏi: Cháu bị hở van 2 lá và hẹp động mạch chủ. Cháu đã được mổ cách đây 7 tháng. Tuy nhiên, cháu vẫn cảm thấy mệt khi đi bộ, thở dồn khi lên dốc. Đôi khi vẫn cảm thấy hồi hộp và loạn nhịp tim. Cháu vẫn uống thuốc đều và tái khám định kỳ. Nhưng cháu vẫn rất lo lắng. Cho cháu hỏi tình trạng của cháu là như thế nào? Có phải mổ lại không? Nên chú ý chế độ ăn uống, sinh hoạt như thế nào?
Hoàng Anh (Cầu Giấy – Hà Nội)
Trả lời: Phẫu thuật không có nghĩa là đã chữa khỏi được bệnh van tim, mà chỉ giúp van bớt hở hoặc hẹp. Nếu kết quả mổ tốt, sẽ giúp chuyển tình trạng bệnh nặng thành nhẹ, bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc điều trị suy tim, loạn nhịp tim để giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Nếu kết quả mổ không tốt, cần kiểm tra lại. Dựa trên kết quả khám lâm sàng, siêu âm tim mới quyết định được có phải mổ lại hay không. Trường hợp của bạn có thể vẫn còn hẹp động mạch chủ nhẹ, nên vẫn có cảm giác khó thở, mệt mỏi…
Sau khi mổ, nên thực hiện chế độ ăn giảm muối, giảm chất béo từ động vật, ăn nhiều rau xanh. Lưu ý, nên hạn chế ăn các loại rau họ cải như bắp cải, súp lơ, cải bó xôi… vì chúng chứa nhiều vitamin K, dễ gây đông máu, làm giảm tác dụng của thuốc chống đông kháng vitamin K. Nên ăn cá, thịt gà bỏ da, hạn chế ăn thịt lợn, thịt bò, không ăn nội tạng động vật. Nên tập thể dục nhẹ nhàng, tránh các hoạt động gắng sức.
Điều trị hở van tim, thiếu máu cơ tim như thế nào?
Câu hỏi: Tôi bị hở van tim 2 lá 1/4, hở van 3 lá 1,5/4, mỗi khi làm việc nặng hay xúc động thì tim đập nhanh, khó thở. Tôi còn bị thiếu máu cơ tim mãn. Giờ tôi cần phải làm thế nào ạ?
Nguyễn Thị Nga (Thanh Xuân – Hà Nội)
Trả lời: Hở van của bạn ở mức độ nhẹ, không đáng lo ngại. Bệnh cần điều trị là thiếu máu cơ tim. Tuy nhiên, để điều trị thiếu máu cơ tim, cần phải chụp động mạch vành, xác định tình trạng hẹp mạch vành mới có thể điều trị được. Cần xem có xơ vữa không, mức độ hẹp bao nhiêu, sau khi có kết quả mới có thể chỉ định thuốc phù hợp. Nếu hẹp mạch vành ít, gây tức ngực phải dùng thuốc trị mạch vành như thuốc giãn mạch, thuốc giảm mỡ máu… Nếu hẹp nặng, cần xem xét can thiệp mạch vành. Nếu có tim đập nhanh thì cần dùng thuốc chậm nhịp tim, nếu không có hen phế quản thì có thể dùng chẹn beta giao cảm, nếu có hen phế quản thì cần dùng procoralan 5mg – 10m/ngày.
Thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp nên uống thuốc gì?
Câu hỏi: Tôi năm nay 50 tuổi, được chẩn đoán thiếu máu cơ tim cục bộ, tăng huyết áp, hay đánh trống ngực. Tôi nên uống thuốc gì để cải thiện tình trạng trên?
Nguyễn Thị Dung (Hà Đông – Hà Nội)
Trả lời: Trước tiên, bạn cần chữa tăng huyết áp, trong trường hợp không có hen phế quản thì dùng chẹn beta giao cảm, giúp hạ huyết áp, chậm nhịp tim, đỡ trống ngực. Bạn nên kiên trì dùng thuốc kéo dài, kết hợp với ăn uống giảm mặn và không lao động nặng.
Điều trị suy tim và tăng áp lực động mạch phổi như thế nào?
Câu hỏi: Thưa bác sĩ, cháu năm nay 27 tuổi, bị suy tim, tăng áp động mạch phổi, thường xuyên bị phù. Xin bác sĩ tư vấn cho cháu hướng điều trị và cần phòng tránh những gì ạ?
Hoàng Ngọc Anh (Ba Đình – Hà Nội)
Trả lời: Nếu tăng huyết áp động mạch phổi thứ phát do các nguyên nhân như thông liên nhĩ, thông liên thất thì cần điều trị nguyên nhân. Còn tăng áp động mạch phổi nguyên phát đến giờ vẫn chưa rõ nguyên nhân và chưa chữa trị được nhưng có thể làm giảm triệu chứng bằng thuốc. Thuốc Iloporst có thể làm giảm áp lực động mạch phổi nhưng không giảm được mãi mãi.
Bạn bị suy tim, cần tránh không nên ăn mặn, không được làm việc nặng, tránh sử dụng thuốc lá, cà phê, rượu, bia.
Tham khảo thêm:
Hãy đặt câu hỏi ngay bây giờ để nhận được tư vấn từ chuyên gia
- Hotline 04 6288 1155 / 0985 960 990
- Tư vấn 24/7
- Được sở Y tế cấp phép hoạt động
- Đội ngũ chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và nước ngoài
- Công nghệ tiên tiến đạt chuẩn quốc tế
- Hệ thống cơ sở hiện đại bậc nhất
- Quy trình nghiệp vụ chuyên nghiệp an toàn