Bác sĩ Nguyễn Minh Giao tư vấn sức khỏe tim mạch (Phần 2)
10 Tháng 11 2017 | 282
Thời gian qua, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Thanh Chân nhận được nhiều câu hỏi của khách hàng về vấn đề sức khỏe tim mạch. Bệnh tim mạch là “sát thủ thầm lặng” gây ra 1/4 ca tử vong trên thế giới. Với tỷ lệ mắc bệnh cao và có xu hướng ngày một trẻ hóa, bệnh tim mạch đang là “vấn nạn” với nhiều người.
Với mục đích giúp Quý khách hàng nắm bắt thêm thông tin liên quan đến bệnh tim mạch, chúng tôi sẽ đăng tải tư vấn sức khỏe tim mạch của bác sĩ Nguyễn Minh Giao (Phòng khám Thanh Chân) cho một số trường hợp bệnh lý cụ thể.
Mệt, đau đầu, đầu căng ra khi thời tiết thay đổi là bệnh gì?
Câu hỏi: Em năm nay 40 tuổi, cách đây 2 năm khám và siêu âm tim thì biết em bị hở van tim 2 lá thể nhẹ. Bệnh viện có cho thuốc về uống. Được 1 năm tái khám thì bệnh đỡ hơn và không phải uống thuốc nữa. Hiện nay em đã dừng thuốc được nửa năm, nhưng gần đây em hay mệt, đau đầu, cảm giác đầu căng ra khi thay đổi thời tiết. Bác sĩ cho em hỏi có phải em bị hở van tim hay bị hẹp động mạch vành?
Nguyễn Thị Thu (Hà Đông – Hà Nội)
Trả lời: Vì bạn có cảm giác căng đầu, trước tiên cần đo huyết áp xem có phải bạn bị huyết áp cao hay không. Nếu đo huyết áp không thấy có gì bất thường thì cần đo điện tâm đồ và siêu âm tim. Nếu đo điện tâm đồ và siêu âm tim không có vấn đề gì thì cần phải chụp mạch vành. Tuy nhiên, bạn vẫn cần đo huyết áp trước tiên.
Hở van hai lá nhẹ kèm dấu hiệu đau lưng, nhức mỏi tay, chân, đau tim có phải bị nặng hơn?
Câu hỏi: Cháu năm nay 18 tuổi, bị hở van 2 lá nhẹ. Dạo này cháu có dấu hiệu bị đau lưng, nhức mỏi tay, chân không đi nổi, cảm giác bị đấm vào tim. Liệu có phải cháu đang bị nặng hơn không? Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu.
Hoàng Văn Nam (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc)
Trả lời: Nếu hở van 2 lá nhẹ, hở 1/4 và 2/4 thì không cần lo lắng nhiều, chỉ cần định kỳ tái khám, theo dõi. Hở 3/4 trở lên mới phải điều trị tích cực. Trường hợp có dấu hiệu đau tim, mệt mỏi, bạn cần khám lâm sàng lần nữa và làm siêu âm tim để có kết luận chính xác và có hướng điều trị phù hợp.
Suy tim do hở van 2 lá có chữa được không?
Câu hỏi: Thưa bác sĩ, trước đây tôi bị hở van tim 2 lá. Gần đây đi khám thì lại bị suy tim và cần uống thuốc. Bác sĩ cho tôi hỏi suy tim uống thuốc có khỏe được không?
Trần Ngọc Hà (Thanh Oai – Hà Nội)
Trả lời: Trước tiên cần xem nguyên nhân hở van là gì. Nếu hở van 2 lá do thấp tim thì rất lâu mới dẫn đến suy tim. Nếu hở van hai lá do giãn cơ tim, suy mạch vành, tắc động mạch vành thì chuyển sang suy tim rất nhanh. Suy tim do hở van 2 lá có thể chữa được nhưng cần biết nguyên nhân.
Bị rung nhĩ đã đặt máy tạo nhịp vẫn bị mệt mỏi cần điều trị thế nào?
Câu hỏi: Tôi bị hở van 2 lá, 3 lá, suy tim độ 4, tôi còn bị rung nhĩ và đã đặt máy tạo nhịp. Dạo này tôi thường hay cảm thấy mệt mỏi. Mong bác sĩ tư vấn cho tôi uống thuốc gì và điều trị thế nào để cải thiện sức khỏe.
Nguyễn Ngọc Thanh (Yên Bái)
Trả lời: Bạn đã đặt máy tạo nhịp rồi mà vẫn còn mệt thì cần xem xét nguyên nhân mệt mỏi là vì nhịp chậm hay nhịp nhanh. Đặt máy tạo nhịp không có nghĩa là người bệnh khỏi hết tất cả các triệu chứng. Do đó, cần xem nhịp tim của bạn là bao nhiêu. Nếu đã đặt máy tạo nhịp mà nhịp tim vẫn nhanh thì cần uống Digoxin để làm chậm nhịp tim lại. Nếu nhịp tim lúc nhanh lúc chậm thì cần dùng thêm Digoxin, thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông. Bạn cần khám lại tại nơi đã đặt máy tạo nhịp tim cho bạn.
Bị suy tim sau khi mổ thay van 2 lá cần làm gì?
Câu hỏi: Thưa bác sĩ, tôi đã mổ thay van 2 lá, van cơ học và sửa van 3 lá. Sau khi mổ, tôi bị suy tim độ 2. Tôi cần làm gì để cải thiện sức khỏe?
Ngô Thị Thùy Anh (Thường Tín – Hà Nội)
Trả lời: Khi bạn phẫu thuật mổ tim để thay van 2 lá hoặc sửa van 3 lá, tim phải ngừng đập một thời gian. Đặc biệt, khi cơ tim đã có tổn thương từ trước, sau khi phẫu thuật, người bệnh rất dễ bị loạn nhịp tim, suy tim. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng, sau khi phẫu thuật, bạn sẽ được dùng thuốc trợ tim, lợi tiểu để đưa nhịp tim về mức ổn định, 70 – 80 nhịp/phút.
Về chế độ ăn uống, bạn nên tuân thủ chế độ ăn cho người suy tim, bạn không nên ăn mặn quá, hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể. Nếu bạn thấy đau ở vết mổ thì cần một thời gian mới cải thiện được, bạn cũng cần chú ý đến môi trường sống, tránh để bị nhiễm khuẩn.
Tham khảo thêm:
+ Bác sĩ Nguyễn Minh Giao tư vấn sức khỏe tim mạch (Phần 1)
Hãy đặt câu hỏi ngay bây giờ để nhận được tư vấn từ chuyên gia
- Hotline 04 6288 1155 / 0985 960 990
- Tư vấn 24/7
- Được sở Y tế cấp phép hoạt động
- Đội ngũ chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và nước ngoài
- Công nghệ tiên tiến đạt chuẩn quốc tế
- Hệ thống cơ sở hiện đại bậc nhất
- Quy trình nghiệp vụ chuyên nghiệp an toàn