Ca mắc sởi, ho gà tăng từ 8-25 lần, Bộ Y tế yêu cầu chủ động triển khai phòng chống dịch năm học mới.
19 Tháng 08 2024 | 811
SKĐS – Tính đến nay, trong năm 2024, nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần…
Sáng nay – 19/8, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động triển khai phòng, chống dịch trong mùa tựu trường.
Nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng… mùa tựu trường tăng
Theo đó, trong văn bản do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương ký ban hành cho biết, thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến nay, trong năm 2024, nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần.
Hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học; nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Tăng cường truyền thông vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch
Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ/ Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh.
Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, thiết bị, nhân lực… đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.
Cùng đó, chủ động, phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân; tăng cường truyền thông khuyến khích, vận động các gia đình, phụ huynh đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch và hướng dẫn việc theo dõi tình hình sức khỏe để tăng cường, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, học sinh trước khi quay lại trường học.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở để khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để bảo vệ sức khỏe.
Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng chống dịch, nhất là tại các khu vực ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ bùng phát dịch và các địa bàn chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Các trường mẫu giáo, nhà trẻ thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ
Bộ Y tế cũng đề nghị Uỷ ban nhân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bước vào năm học mới; bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo.
Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, nhà trẻ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như theo dõi chặt chẽ sức khỏe trẻ em, học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý;
Bên cạnh đó, hướng dẫn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch và phối hợp truyền thông, tuyên truyền vận động các gia đình, phụ huynh học sinh đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Chỉ đạo Sở thông tin truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; phối hợp cung cấp các khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, tiêm chủng vaccine và thay đổi hành vi, nâng cao sức khỏe.
Chỉ đạo Sở Tài chính bố trí cấp đủ kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch và tiêm chủng mở rộng từ nguồn kinh phí địa phương và chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí dự phòng trong trường hợp cần thiết theo quy định.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn
Hãy đặt câu hỏi ngay bây giờ để nhận được tư vấn từ chuyên gia
- Hotline 04 6288 1155 / 0985 960 990
- Tư vấn 24/7
- Được sở Y tế cấp phép hoạt động
- Đội ngũ chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và nước ngoài
- Công nghệ tiên tiến đạt chuẩn quốc tế
- Hệ thống cơ sở hiện đại bậc nhất
- Quy trình nghiệp vụ chuyên nghiệp an toàn