Tại sao cần phải làm xét nghiệm huyết học?
30 Tháng 08 2017 | 1848
Xét nghiệm huyết học còn được gọi là xét nghiệm công thức máu, là một trong những xét nghiệm được sử dụng nhiều nhất trong các xét nghiệm y khoa.
Xét nghiệm huyết học là gì?
Xét nghiệm công thức máu là xét nghiệm quan trọng cung cấp những thông tin hữu ích về: hồng cầu, mang ô-xy, bạch cầu, chống nhiễm trùng, hemoglobin, các protein vận chuyển oxy trong các tế bào máu đỏ, hematocrit, tỷ lệ của các tế bào máu đỏ với thành phần huyết tương trong máu và tiểu cầu, giúp đông máu. Từ đó, giúp bác sĩ phát hiện các rối loạn bao gồm nhiễm trùng, thiếu máu và bệnh bạch cầu.
Trên cơ sở kết quả xét nghiệm công thức máu, bác sĩ có thể đánh giá tổng quát về tình hình sức khỏe của người được xét nghiệm, cung cấp thông tin về tình trạng bệnh. Tuy nhiên, xét nghiệm này không đưa ra chẩn đoán xác định về nguyên nhân gây bệnh mà chỉ mang tính chất gợi ý, định hướng.
Ngoài ra, xét nghiệm huyết học còn cung cấp cho bác sĩ các thông số liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến bệnh mà bệnh nhân đang điều trị. Từ đó có thể phát hiện thêm các bệnh về máu liên quan đến bệnh đang điều trị hoặc do điều trị một bệnh nào đó gây ảnh hưởng đến máu.
Tại sao phải xét nghiệm công thức máu toàn bộ?
Xét nghiệm công thức máu toàn bộ được thực hiện trong nhiều trường hợp như:
Đánh giá sức khỏe tổng thể: Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm công thức máu toàn bộ như một phần của cuộc kiểm tra y tế thường xuyên để đánh giá tổng quát tình hình sức khỏe.
Chẩn đoán bệnh: Trường hợp cảm thấy yếu, mệt mỏi, sốt, viêm, bị bầm tím, chảy máu… bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm xét nghiệm công thức máu để chẩn đoán các nguyên nhân gây ra các dấu hiệu và triệu chứng.
Theo dõi một tình trạng bệnh lý: Nếu bạn mắc một số bệnh lý có ảnh hưởng đến số lượng tế bào máu, bác sĩ sẽ sử dụng công thức máu để theo dõi tình trạng và tiến triển của bệnh.
Theo dõi quá trình điều trị: Xét nghiệm công thức máu toàn bộ được dùng để theo dõi tình trạng sức khỏe trong trường hợp dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến số lượng tế bào máu.
Kết quả công thức máu toàn bộ ở người lớn
Kết quả bình thường
– Hồng cầu:
Nam: 4,2 – 6,0 T/L (T/l: nghìn tỷ tế bào/lít)
Nữ: 3,8 – 5 T/L
– Hemoglobin:
Nam: 130 – 170 g/L (gram/lít)
Nữ: 120 – 150 g/L
– Hematocrit:
Nam: 38 – 49% .
Nữ: 34,9-44,5% .
– Bạch cầu: 3,0 – 10,0 G/L (G/L: tỉ tế bào / lít)
– Tiểu cầu: 140 – 350 G/L.
Kết quả bất thường
– Hồng cầu, hemoglobin và hematocrit thấp hơn bình thường cho thấy người được xét nghiệm đang trong tình trạng thiếu máu. Người bị thiếu máu sẽ mệt mỏi và yếu. Thiếu máu có nhiều nguyên nhân như mất máu, tan máu, thiểu dưỡng hoặc bệnh lý của tủy xương. Hồng cầu cao hơn bình thường, hemoglobin hoặc hematocrit ở mức cao báo hiệu tình trạng máu bị cô, đa hồng cầu hoặc bệnh tim.
– Số lượng bạch cầu thấp (giảm bạch cầu) có thể gặp trong nhiều tình trạng bệnh lý như rối loạn tự miễn dịch phá hủy các tế bào bạch cầu, các vấn đề tủy xương hoặc ung thư. Một số loại thuốc cũng có thể gây ra số lượng tế bào máu trắng thấp. Nếu số lượng bạch cầu cao hơn bình thường, có thể bị nhiễm trùng hoặc viêm. Ngoài ra, đó có thể là biểu hiện rối loạn hệ thống miễn dịch hoặc bệnh tủy xương. Bạch cầu cao cũng có thể là một phản ứng với thuốc.
– Số lượng tiểu cầu thấp hơn hoặc cao hơn so với bình thường là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nào đó, hoặc là tác dụng phụ của thuốc. Nếu số lượng tiểu cầu nằm ngoài phạm vi bình thường, có thể sẽ cần làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân.
Hãy đặt câu hỏi ngay bây giờ để nhận được tư vấn từ chuyên gia
- Hotline 04 6288 1155 / 0985 960 990
- Tư vấn 24/7
- Được sở Y tế cấp phép hoạt động
- Đội ngũ chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và nước ngoài
- Công nghệ tiên tiến đạt chuẩn quốc tế
- Hệ thống cơ sở hiện đại bậc nhất
- Quy trình nghiệp vụ chuyên nghiệp an toàn